Cuộc “nổi dậy” của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner ở Nga đã phần nào làm đảo lộn chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh vừa rồi của Liên minh châu Âu (EU).

EU buộc phải dành nhiều thời gian hơn dự định để bàn luận về tình hình ở Nga, tác động của cuộc “nổi dậy” tới cuộc xung đột ở Ukraine và tới thực trạng an ninh của chính EU sau khi thủ lĩnh của Wagner lưu vong sang Belarus và Nga đã triển khai tên lửa hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus.

Vấn đề đặt ra cho EU là tăng cường an ninh như thế nào, đối phó Nga ra sao và cách thức trợ giúp Ukraine trước những diễn biến mới này.

Sau 2 ngày hội nghị cấp cao (kết thúc ngày 30-6, giờ địa phương), EU chưa đưa ra được kiến giải nào mới. Vẫn chỉ nghe thấy EU kêu gọi các nước thành viên tăng cường đoàn kết nhất trí và kiên định quyết tâm, tiếp tục những định hướng chính sách đã được thực hiện từ lâu nay.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban dự hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels – Bỉ hôm 30-6 Ảnh: REUTERS

Ukraine không thể hài lòng khi không được EU đáp ứng yêu cầu về xác định thời hạn cụ thể cho việc gia nhập EU và về việc EU cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine ở hiện tại cũng như sau khi kết thúc cuộc xung đột.

Thực ra EU dẫu có muốn cũng không thể đáp ứng những yêu cầu ấy vì thực lực chưa cho phép và trong nội bộ chưa có được sự đồng thuận sâu rộng cần thiết.

Tình thế khó xử tương tự cũng lặp lại với cả hai nội dung chính khác trong chương trình nghị sự. Và vì khó xử nên kết quả của hội nghị cấp cao nêu trên đều chỉ nửa vời và không mới mẻ.

  • EU mổ xẻ bất đồng tại hội nghị thượng đỉnh

  • EU tung gói trừng phạt mới, Nga nói chỉ phản tác dụng

  • EU cẩn trọng trong hợp tác

Thứ nhất, đối với Trung Quốc. EU chủ trương vừa không “thoát Trung Quốc” vừa không lệ thuộc vào nước này. Nghe qua thì thấy rất hợp tình, hợp lý và có ý nghĩa chiến lược lâu dài nhưng làm thế nào để đồng thời được như vậy thì vẫn là bài toán khó mà EU chưa giải nổi.

“Thoát Trung Quốc” trong điều kiện của thế giới hiện tại thì hệ lụy thật khôn lường và chuyện lợi hại chưa biết thế nào mà lần. Cho nên ở hội nghị cấp cao này, EU chỉ bàn nhiều và rồi nhắc lại quan điểm và quyết tâm cũ.

Thứ hai, vấn đề người tị nạn và nhập cư. Sự phản đối của Hungary và Ba Lan khiến cho hội nghị của EU trong thực chất thất bại trên phương diện này.

EU định thông qua thỏa thuận – vốn đã được thông qua tại cuộc gặp của bộ trưởng nội vụ các nước thành viên trước đó – về phân bổ hạn ngạch số người xin tị nạn và biện pháp chế tài thành viên không chịu tuân thủ.

Tại cuộc gặp đó, Hungary và Ba Lan không đồng tình nhưng bị lấn át bởi biểu quyết đa số thắng thiểu số. Tại hội nghị cấp cao thì các thành viên có quyền phủ quyết và hai thành viên kia đã sử dụng quyền ấy.

Tình trạng hiện tại thật chẳng tốt lành gì cho EU. Chuyện thì bế tắc giải pháp. Chuyện thì lực bất tòng tâm. Chuyện thì nội bộ bất đồng quan điểm sâu sắc. Bài học ở đây là liên minh chỉ có thể mạnh khi tất cả các thành viên đều cùng muốn làm cho liên minh mạnh. 


NGẢI SA