Chuyến công du châu Âu lần này của Tổng thống Mỹ Joe Biden tập trung chủ yếu vào việc củng cố Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tăng cường sức mạnh cho liên minh quân sự này và khẳng định cũng như đề cao vai trò lãnh đạo NATO của Mỹ. 

Trong thời gian 5 ngày ở châu Âu, ông Biden tới thăm Anh, tham dự cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của NATO tổ chức ở thủ đô Vilnius của Lithuania và thăm Phần Lan.

Ông Biden tới thăm Anh vì Mỹ và Anh vốn có mối quan hệ truyền thống đặc biệt, gắn bó và tin cậy hơn nhiều so với quan hệ của Mỹ với tất cả quốc gia khác ở châu Âu, ngoài ra còn vì ông Biden trước đó không tham dự lễ đăng quang của Vua Anh Charles III. 

Mỹ và Anh hiện là cặp bài trùng kiêm trục quyền lực quan trọng nhất trong NATO liên quan đến chủ trương và hành động của NATO đối với Ukraine và Nga.

Tổng thống Mỹ chủ định thăm Phần Lan vì nước này là thành viên mới nhất của NATO, lại còn là một tiền đồn của liên minh trong cuộc đối đầu với Nga. Trước đây, ông Biden đã tới thăm Ba Lan cũng với toan tính như vậy.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Nhà Trắng hôm 5-7 Ảnh: REUTERS

Để Thụy Điển không cảm thấy bị Mỹ phân biệt đối xử vì cũng đã từ bỏ chính sách trung lập để đề nghị gia nhập NATO như Phần Lan, ông chủ Nhà Trắng đã đón tiếp thủ tướng Thụy Điển trước khi công cán châu Âu.

Trọng tâm chuyến đi lần này của ông Biden là cuộc gặp cấp cao của NATO. Ông Biden muốn NATO thống nhất nội bộ và mạnh mẽ về tiềm lực quân sự để giúp Ukraine thắng Nga và để loại trừ mọi thách thức, đe dọa an ninh từ Nga đối với các nước thành viên NATO hiện tại cũng như tương lai. Và đương nhiên là làm cho NATO được như vậy dưới-và-nhờ sự lãnh đạo của Mỹ.

  • Mỹ nói điều bất ngờ về bom chùm gửi Ukraine

  • Thủ lĩnh Wagner đang trong “tầm ngắm” của NATO

Chính vì thế, phía Mỹ có lợi ích rất to lớn và thiết thực trong việc giúp cho cuộc gặp cấp cao của NATO ở Vilnius thành công. Đối với ông Biden, việc này đặc biệt quan trọng và có phần khó khăn hơn mục tiêu thúc đẩy quan hệ song phương với Anh và Phần Lan song không đến nỗi bất khả thi.

Tại cuộc gặp cấp cao sắp tới, Ukraine là một trong những chủ đề trọng tâm. Các thành viên NATO dễ dàng nhất trí tiếp tục hậu thuẫn Kiev nhưng bất đồng sâu sắc về việc thu nạp quốc gia này vào liên minh. NATO chưa thể đưa ra cam kết về lộ trình kết nạp cụ thể mà chỉ tiếp tục quả quyết luôn mở cửa chào đón Ukraine. 

Tổng thống Biden cũng vậy. Đối với những mưu tính và lợi ích chiến lược của Mỹ ở châu Âu, việc vội vã kết nạp Ukraine đem lại hại nhiều hơn lợi. Do đó, ông Biden chủ động xoa dịu Ukraine bằng tuyên bố cung cấp bom chùm và đạn pháo chùm.

Liên Hiệp Quốc có Công ước Oslo về cấm sử dụng loại bom đạn này với sự tham gia của 123 quốc gia nhưng Mỹ, Ukraine và Nga đều không là thành viên. Phía Ukraine không thể không hài lòng khi ông Biden làm cho Ukraine điều mà lãnh đạo các nước thành viên NATO khác hiện không thể hoặc không dám làm. 

Vì thời cuộc mới ở châu Âu, cũng vì sự thúc ép của Mỹ mà NATO ở hội nghị cấp cao tới đây nhiều khả năng đạt được cam kết về gia tăng mạnh mẽ ngân sách cho quân sự và quốc phòng. 


NGẢI SA