Reuters và DPA đưa tin Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao yêu cầu đại sứ Thụy Điển tại Baghdad rời khỏi Iraq. Động thái này nhằm đáp trả việc “chính phủ Thụy Điển nhiều lần cho phép đốt kinh Koran” – theo văn phòng báo chí của thủ tướng Iraq.
Hãng thông tấn nhà nước INA cho biết Iraq cũng đình chỉ giấy phép hoạt động của gã khổng lồ viễn thông Thụy Điển Ericsson.
Hàng trăm người biểu tình đã xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Baghdad – Iraq. Ảnh: Reuters
Trước đó, hôm 19-7, hãng thông tấn Thụy Điển TT đưa tin cảnh sát đã cho phép một cuộc tụ tập công khai bên ngoài Đại sứ quán Iraq ở thủ đô Stockholm ngày 20-7. Theo TT, một cá nhân đã tìm cách “đốt kinh Koran và cờ Iraq”.
Ngoài ra, người tị nạn Iraq sống ở Thụy Điển được cho là giẫm phải kinh Koran nhưng không đốt trong một buổi trình diễn ở Stockholm.
Hàng trăm người biểu tình đã xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Baghdad hôm 20-7, trèo lên tường tòa nhà và phóng hỏa. Những người biểu tình tập hợp tại địa điểm này vì họ đoán rằng sẽ có “một vụ đốt kinh Koran”.
Cảnh sát chống bạo động Iraq phải phun vòi rồng để giải tán đám đông, trong khi lực lượng an ninh trang bị dùi cui điện đuổi theo người biểu tình.
Những người ủng hộ giáo sĩ dòng Shiite Muqtada al-Sadr kêu gọi biểu tình để phản đối kế hoạch đốt kinh Koran lần thứ hai ở Thụy Điển trong những tuần gần đây.
Văn phòng báo chí Bộ Ngoại giao Thụy Điển nhấn mạnh nhà chức trách Iraq cần bảo vệ các cơ quan đại diện ngoại giao và nhân viên của Thụy Điển, đồng thời cho biết các cuộc tấn công vào đại sứ quán và nhà ngoại giao “là hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước Vienna”.
Bộ Ngoại giao Iraq đã lên án vụ người biểu tình xông vào Đại sứ quán Thụy Điển. Chính quyền Iraq tuyên bố đã ra lệnh điều tra vụ việc để tìm ra thủ phạm và buộc họ phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Bilstrom lên án điều này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. “Rõ ràng là chính quyền Iraq đã thất bại nghiêm trọng trong việc bảo vệ các phái bộ ngoại giao và nhân viên” – Bộ trưởng Bilstrom nhấn mạnh.
Thụy Điển đã triệu tập đại biện lâm thời của Iraq tại Stockholm để bày tỏ sự thất vọng sau vụ việc kể trên.