Bản tuyên bố chung của lãnh đạo EU và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lại rất dài, bao gồm 55 điểm nội dung, bao quát mọi chuyện hợp tác song phương và chính trị thời sự thế giới.
Chỉ thế thôi cũng đủ thấy sự hợp tác giữa EU và Nhật Bản sau 49 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đang tốt đẹp và suôn sẻ, tin cậy và gắn bó, sâu rộng và hiệu quả như thế nào.
Cả hai phía đều chủ ý công khai biểu lộ tâm trạng rất hài lòng. Mọi trắc trở tồn tại đều đã được khắc phục (như EU dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu thực phẩm của Nhật Bản từ năm 2011 sau thảm họa động đất và sóng thần ở Fukushima) hoặc sẽ khắc phục (như Nhật Bản kiểm soát ngặt nghèo hàng hóa xuất khẩu của EU).
Không chỉ tiếp tục thúc đẩy các thỏa thuận và dự án đã ký kết, hai bên còn mở rộng hợp tác ra một số lĩnh vực mới như năng lượng xanh, chuyển đổi số, sản xuất và cung ứng linh kiện bán dẫn, bảo đảm nguồn cung ứng và chuỗi cung ứng những nguyên vật liệu quan trọng.
Từ trái qua: Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại cuộc gặp cấp cao hôm 13-7 Ảnh: REUTERS
Hai bên thiết lập khuôn khổ đối thoại chiến lược về an ninh và đối ngoại, quân sự và quốc phòng. Hai bên đồng thuận quan điểm như tiền hô hậu ủng về Nga và cuộc xung đột ở Ukraine, về Trung Quốc và Triều Tiên, về Đài Loan (Trung Quốc) và biển Đông cũng như về triển vọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Qua đó có thể thấy EU và Nhật Bản không chỉ thực sự thiện chí thúc đẩy quan hệ mà còn trở thành đối tác chiến lược lý tưởng của nhau, thậm chí lý tưởng tới mức đối tác mà như đồng minh, không cần lập liên minh vẫn hợp tác chặt chẽ, tin cậy và hiệu quả.
Sự tương đồng về ý thức hệ và bề dày của gần nửa thế kỷ hợp tác giúp EU và Nhật Bản đạt được cấp độ và chất lượng quan hệ cao như hiện tại. Nhưng tác nhân khác quan trọng và quyết định không kém là chưa bao giờ hai bên cần nhau như lúc này!
EU cần Nhật Bản để cùng đối phó Nga và hậu thuẫn Ukraine ở châu Âu, để đối phó Trung Quốc và để chen chân vào những cuộc chơi quyền lực, ảnh hưởng và lợi ích về cả chính trị, an ninh và quân sự đang dần định hình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhật Bản là đối tác lý tưởng và thích hợp nhất làm cửa ngõ và bàn đạp cho EU tiếp cận và chinh phục khu vực này.
Ở chiều ngược lại, Nhật Bản cần EU để vươn tới khắp châu Âu sau khi đã thiết lập quan hệ hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhật Bản cần EU để đối phó Trung Quốc, Triều Tiên và cả Nga.
Nhật Bản cũng nuôi tham vọng gây dựng vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới thông qua mở rộng hoạt động về an ninh và quân sự. Đối tác lý tưởng giúp Nhật Bản hiện thực hóa tham vọng này không ai khác ngoài EU.