Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang buộc phải cắt giảm viện trợ lương thực, tiền mặt và hỗ trợ cho hàng triệu người ở nhiều quốc gia do thiếu tiền tài trợ. Đó là thông tin được ông Carl Skau, Phó Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ, đưa ra tại cuộc họp báo mới đây ở TP New York – Mỹ.

Hãng tin AP ngày 30-7 cho biết WFP hoạt động ở 86 nước nhưng buộc phải cắt giảm hỗ trợ hoặc có kế hoạch như thế tại ít nhất 38 nước. 

Theo ông Skau, WFP cần 20 tỉ USD để cung cấp viện trợ cho những người có nhu cầu, nhưng thực tế chỉ đặt mục tiêu 10 – 14 tỉ USD/năm. Đây là số tiền WFP nhận được trong vài năm qua. Dù vậy, từ đầu năm đến giờ, WFP mới nhận được khoảng 5 tỉ USD.

Hàng hóa của WFP tại một trung tâm phân phối ở thủ đô Sanaa – Yemen ngày 18-7Ảnh: Reuters

Nhu cầu viện trợ nhân đạo đã tăng vọt vào các năm 2021 và 2022 do sự bùng phát đại dịch COVID-19 và tác động toàn cầu của cuộc xung đột Nga – Ukraine. 

Nhu cầu này được dự báo còn tăng và WFP ngày càng lo ngại nguồn tài trợ đang cạn kiệt. Hồi tháng 3-2023, WFP buộc phải cắt giảm viện trợ khẩu phần ăn cho các cộng đồng đang đối mặt nạn đói nghiêm trọng ở Afghanistan. Tại Syria, WFP đã phải cắt giảm toàn bộ viện trợ lương thực cho 2,5 triệu người trong tháng 7. 

Trong thời gian tới, WFP sẽ phải cắt hoàn toàn viện trợ cho 7 triệu người ở Yemen, sớm nhất là trong tháng 8. Một số nước ở Tây Phi như Niger, Cameroon, Nigeria, Cộng hòa Trung Phi… cũng đối mặt viễn cảnh tương tự.

Ngoài việc tìm cách đa dạng hóa nguồn tài trợ, WFP kêu gọi các nhà tài trợ truyền thống “đẩy mạnh hỗ trợ” để tổ chức này vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay. 

  • Cảnh báo u ám về hệ thống lương thực toàn cầu

Ông Skau cũng thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới ưu tiên viện trợ nhân đạo, tăng cường điều phối giữa các tổ chức cứu trợ và chính phủ. Ngoài ra, các nước cần tập trung tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các cuộc khủng hoảng nói trên, như giải quyết xung đột, giảm nghèo, phát triển bền vững… 

Tuy nhiên, ông Skau thừa nhận triển vọng viện trợ năm 2024 càng thêm u ám, nhất là khi ngân sách dành cho hoạt động viện trợ nhân đạo của cả Mỹ và châu Âu hiện không nhiều như giai đoạn 2021-2022.

Trước đó, WFP cùng 4 cơ quan khác của LHQ đã công bố báo cáo mới, cho thấy thế giới có khoảng 691-783 triệu người đối mặt tình trạng thiếu ăn trong năm 2022. Ngoài ra, từ năm 2019, thêm 122 triệu người rơi vào cảnh đói do tác động của đại dịch COVID-19, khí hậu cực đoan và các cuộc xung đột.

Theo báo cáo trên, nhiều nơi đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực ngày một nghiêm trọng trong năm 2022 như Tây Á, vùng Caribbean và nhiều khu vực ở châu Phi. Riêng châu Phi vẫn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 20% dân số hứng chịu nạn đói – cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

Điều đáng lo, theo Reuters, báo cáo cũng nhận định thế giới sẽ gặp nhiều thách thức trong nỗ lực đạt mục tiêu xóa đói vào năm 2030 mà LHQ đề ra. Thực tế, báo cáo này dự báo thế giới sẽ có 600 triệu người thiếu ăn vào năm 2030.


Hoàng Phương