Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất bên ngoài gồm Nga (gọi tắt là OPEC+) cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới. OPEC+ đã cắt giảm sản lượng dầu kể từ tháng 11-2022 do giá dầu giảm.
Theo hãng tin Reuters, Ả Rập Saudi và Nga, các nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã cắt giảm mạnh nguồn cung dầu hôm 3-7 trong nỗ lực đẩy giá dầu cao hơn.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, động thái này chỉ nâng đỡ thị trường trong một thời gian ngắn. Giá dầu Brent tương lai gần như không thay đổi ở mức 76,30 USD/thùng hôm 5-7, duy trì dưới mức 80-100 USD/thùng mà hầu hết các quốc gia OPEC cần để cân bằng ngân sách của họ.
OPEC cho biết họ không có mục tiêu về giá và đang tìm cách duy trì một thị trường dầu cân bằng để đáp ứng lợi ích của cả người tiêu dùng và nhà sản xuất.
Trong khi đó, Mỹ, nhà sản xuất dầu lớn nhất bên ngoài OPEC+, đã nhiều lần kêu gọi nhóm này tăng cường sản xuất để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu và chỉ trích sự hợp tác của Ả Rập Saudi với Nga sau chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, Riyadh nhiều lần từ chối lời kêu gọi của Mỹ và Hoàng tử Abdulaziz hôm 5-7 cho biết việc cắt giảm sản lượng dầu chung mới được Nga và Ả Rập Saudi nhất trí trong tuần này một lần nữa chứng minh cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Riyadh và Moscow.
Hoàng tử Abdulaziz nhấn mạnh: “Một phần những gì chúng tôi đã làm với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp từ Nga cũng là để giảm bớt sự hoài nghi về những gì đang diễn ra giữa Ả Rập Saudi và Nga về vấn đề cụ thể này”.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi cũng khẳng định rằng OPEC+ sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để hỗ trợ thị trường, theo nguồn tin tham dự cuộc họp. Bộ trưởng năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Suhail Al Mazrouei cũng cho rằng việc cắt giảm sản lượng dầu bổ sung là đủ để giúp cân bằng thị trường dầu mỏ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt vào nửa cuối năm 2023, một phần do sự cắt giảm sản lượng của OPEC+.