Các nhà nghiên cứu nhận thấy virus corona gây ra dịch Covid-19 có thể bám nhiều ngày trên các bề mặt, nơi những giọt bắn li ti của người bệnh rơi xuống, làm gia tăng nguy cơ lây lan nếu một người không biết chạm vào nó và sau đó vào tay, mặt của họ.

Thời gian mà nó tồn tại trên bề mặt nào đó phụ thuộc vào các yếu tố như thời tiết hay loại bề mặt, ví dụ như trong nhiệt độ khoảng 37 độ C, SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong 2-3 ngày trên bề mặt kính, vải sợi, kim loại, nhựa hoặc giấy.

Đó là các phát hiện của một nhóm các nhà nghiên cứu tỉnh Hồ Nam khi xem xét vụ nhiễm cụm từ một người đi xe buýt công cộng. Kết quả nghiên cứu khác biệt này với lời khuyên từ giới chức y tế khắp thế giới rằng mọi người nên giữ khoảng cách an toàn từ 1-2 m.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh nguy cơ SARS-CoV-2 có thể vẫn tồn tại thậm chí sau khi người nhiễm rời khỏi xe buýt. Các khoa học cũng cảnh báo rằng virus có thể sống sót hơn 5 ngày trong dịch cơ thể hoặc chất thải của người.

Virus lây từ vị trí người nhiễm (màu đỏ) sang những người cách xa tới 4,5 m trên xe buýt (màu cam). Màu tím là nhiễm mà không có triệu chứng. Đồ họa: SCMP

Rửa tay và đeo khẩu trang

Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này chứng minh tầm quan trọng của việc rửa tay và đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, vì SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong không khí bám lấy những giọt bắn li ti. “Lời khuyên của chúng tôi là luôn đeo khẩu trang nếu đi xe buýt” – các nhà nghiên cứu nói thêm.

Nghiên cứu của họ dựa trên một trường hợp bùng phát cụm vào ngày 22-1 trong mùa đi lại cao điểm Tết Nguyên đán. Một hành khách, được gọi là A, đã lên một chiếc xe buýt đường dài và ngồi ở hàng ghế thứ 2 tính từ cuối lên.

Khi đó hành khách đã cảm thấy không khỏe nhưng vụ việc xảy ra trước khi Trung Quốc tuyên bố dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng quốc gia, nên A không đeo khẩu trang, cũng giống như hầu hết hành khách và tài xế trên chiếc xe buýt 48 chỗ ngồi.

Trung Quốc đã yêu cầu lắp đặt các camera hình ảnh cự ly gần trên tất cả các xe buýt đường dài, vốn có thể cung cấp các hình ảnh quan trọng để các nhà nghiên cứu tìm hiểu sự lây lan của virus trên xe buýt, khi các xe được đóng kín cửa.

“Có thể khẳng định rằng trong môi trường kín có điều hòa nhiệt độ, khoảng cách lây lan của virus corona xa hơn khoảng cách an toàn thường được công nhận” – các nhà nghiên cứu viết trên Tạp chí Y học Dự phòng Thực tiễn ngày 6-3.

Hành khách xuống xe buýt ở Bắc Kinh. Ảnh: CHINA DAILY

Ông Hồ Thế Hùng, tác giả chính của nghiên cứu và hiện làm việc tại Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh tỉnh Hồ Nam, cho biết hình ảnh camera an ninh cho thấy bệnh nhân A không tiếp xúc với ai trong suốt chuyến đi kéo dài 4 giờ.

Tuy nhiên, vào thời điểm xe buýt dừng lại tại thành phố kế tiếp, SARS-CoV-2 đã lây từ hành khách A sang 7 hành khách khác. Bảy người này không chỉ bao gồm những người ngồi tương đối gần A, mà còn có 2 người ngồi cách A 6 hàng ghế, tức là cách khoảng 4,5 m. Tất cả họ sau đó đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có một hành khách không có triệu chứng bệnh.

Sau khi các hành khách trên rời đi, một nhóm khác lên xe buýt khoảng 30 phút sau đó. Một hành khách ngồi gần hàng ghế đầu phía dãy bên kia cũng bị nhiễm dịch. Theo ông Hồ, hành khách này, người không đeo khẩu trang, nhiều khả năng đã hít phải những giọt bắn li ti mà những hành khách nhiễm từ nhóm trước thở ra.

Nghiên cứu cho biết: “Một lý do tiềm tàng là trong một không gian hoàn toàn kín, luồng không khí chủ yếu được đẩy đi bởi khí nóng tạo ra do điều hòa nhiệt độ. Sự gia tăng của khí nóng có thể đưa các hạt nhỏ chứa virus đi xa hơn”.

Sau khi xuống khỏi xe buýt, hành khách A đã lên một xe buýt nhỏ và đi thêm một giờ nữa. Virus tiếp tục lây lan sang 2 hành khách khác, một trong số họ ngồi cách A 4,5 m.

Vào thời điểm nghiên cứu hoàn tất vào giữa tháng 2, bệnh nhân A đã lây nhiễm cho ít nhất 13 người.

Trong ngày 9-3, Trung Quốc ghi nhận 17 ca tử vong, nâng tổng ca tử vong là 3.136. Đến nay Trung Quốc có 80.753 ca nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Thông thường, mọi người vẫn tin rằng sự lây lan SARS-CoV-2 trong không khí bị giới hạn do các giọt bắn li ti từ người bệnh nhanh chóng rơi xuống đất. Điều này khiến giới chức y tế Trung Quốc khuyên mọi người nên đứng cách xa nhau khoảng 1 m ở nơi công cộng và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng cho rằng khoảng cách an toàn là 1,8 m.

Các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng không ai trong số các hành khách đeo khẩu trang đi trên hai xe buýt bị nhiễm bệnh. Họ nói, đó là bằng chứng cho quyết định đề nghị mọi người đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

“Khi đi trên các phương tiện công cộng kín cửa như tàu điện ngầm, xe ô tô, máy bay…, mọi người nên luôn đeo khẩu trang, đồng thời hạn chế thấp nhất tiếp xúc tay với các nơi công cộng, tránh sờ tay lên mặt trước khi rửa sạch” – các nhà nghiên cứu viết. Họ cũng khuyên tăng cường vệ sinh trên các phương tiện công cộng và điều chỉnh điều hòa nhiệt độ để tối đa hóa nguồn khí sạch được cung cấp.

Hiểu biết về virus còn quá ít

Một bác sĩ tại Bắc Kinh tham gia việc chẩn đoán và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 cho rằng cuộc nghiên cứu trên đã đặt ra một số câu hỏi chưa có lời giải. Ví dụ, các hành khách ngồi ngay gần các bệnh nhân ban đầu lại không bị nhiễm virus, dù họ có nguy cơ bị hít phải các giọt li ti có virus cao nhất. Bác sĩ nói: “Hiểu biết của chúng ta về sự lây lan của virus này vẫn còn hạn chế”.


H.Bình (Theo SCMP)