Được mệnh danh là “cổng địa ngục”, hố Batagaika kéo dài 1 km, tạo thành hố băng vĩnh cửu lớn nhất thế giới.
Trong đoạn video do hai nhà thám hiểm ghi lại dọc theo đáy hố, có thể nhìn thấy những gò băng và bề mặt bất thường – vốn bắt đầu hình thành sau khi khu rừng xung quanh Batagaika bị xóa sổ vào thập niên 1960 và lớp băng vĩnh cửu ngầm bắt đầu tan chảy, khiến đất lún xuống.
Các nhà khoa học cho biết Nga đang ấm lên nhanh hơn phần còn lại của thế giới ít nhất 2,5 lần, làm tan dần các vùng lãnh nguyên băng giá lâu năm vốn bao phủ khoảng 65% diện tích nước này.
Sự mở rộng của hố sụt khổng lồ Batagaika, theo giới khoa học, là một dấu hiệu nguy hiểm. Ông Nikita Tananayev, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Băng vĩnh cửu Melnikov (Nga), cảnh báo với Reuters: “Trong tương lai, khi nhiệt độ tiếp tục tăng, chúng ta càng chứng kiến nhiều hố sụt khổng lồ hình thành, cho đến khi toàn bộ băng vĩnh cửu tan hết”.
Ông Tananayev cho biết thêm nền đất bên dưới hố sụt – sâu khoảng 100 m ở một số nơi – tích trữ “một lượng khổng lồ” carbon hữu cơ. Một khi băng vĩnh cửu tan, lượng khí này sẽ được giải phóng ra khí quyển, khiến trái đất càng ấm lên.
Hố Batagaika trong đoạn video ghi hình ngày 11-7 Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, miền Nam và Đông Âu tiếp tục hứng chịu một đợt nắng nóng mới vào tuần sau. Nhiệt độ ở nhiều khu vực của Ý, bao gồm các đảo Sardinia và Sicily, có thể lên tới 48 độ C; còn nhiệt độ cao nhất tại Hy Lạp dự báo là 44 độ C và Tây Ban Nha là 45 độ C…
Thủ phạm đứng sau đợt nắng nóng mới là xoáy nghịch Charon, đang tràn vào châu Âu từ Bắc Phi. Đây là cơn “bão nhiệt” thứ hai tấn công châu Âu trong vòng một tuần qua, sau khi xoáy nghịch Cerberus hoành hành vào tuần trước.
Xoáy nghịch Charon có thể kết thúc vào cuối tháng 7 song châu Âu chưa “thoát nạn”. Hãng tin AP dẫn thông tin từ Đài quan sát Hạn hán châu Âu (EDO) cho biết 42% diện tích đất của Liên minh châu Âu (EU) đang chống chọi với hạn nặng.
Các vùng quanh biển Baltic, Đức, Ireland, Anh và Scandinavia đang thiếu mưa trầm trọng, đe dọa vụ hè.