Được công bố ngày 26-7, báo cáo mang tên “Công nghệ trong giáo dục: Nên quy định thế nào?” có sự hỗ trợ thực hiện của 18 bộ trưởng giáo dục trên thế giới.
“Sự phát triển của số hóa đem lại tiềm năng cực lớn nhưng nó phải được sử dụng cho mục đích tăng cường trải nghiệm học tập và phục vụ cho học sinh, giáo viên chứ không phải làm tổn hại họ” – bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, nói.
Học sinh ở Cebu – Philippines chụp hình tại trường học. Ảnh: UNICEF
Trong số các vấn đề mà báo cáo nêu ra, ngoài điện thoại thông minh còn có việc sử dụng công nghệ trong lớp học một cách phù hợp.
Ông Manos Antoninis – Giám đốc Báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu của UNESCO – giải thích: “Chúng ta cần dạy trẻ cách sống khi có công nghệ lẫn không có công nghệ, hướng dẫn chúng cách chắt lọc từ lượng thông tin khổng lồ. Chúng ta để công nghệ hỗ trợ, chứ không được để chúng thay thế những giao tiếp giữa người với người trong dạy và học”.
Vấn đề tiếp theo là bảo đảm cơ hội công bằng. Theo UNESCO, việc chuyển đổi nhanh sang học trực tuyến trong đại dịch COVID-19 đã khiến khoảng 500 triệu học sinh trên thế giới chịu thiệt thòi, nhất là các cộng đồng yếu thế, ở nông thôn.
Báo cáo nhấn mạnh quyền được học hành hiện gần như tương đồng với quyền được “kết nối ý nghĩa”. Theo báo cáo, các nước cần đặt mục tiêu kết nối internet cho trường học từ nay đến năm 2030.
Đặc biệt, UNESCO cho rằng công nghệ phát triển đòi hỏi hệ thống giáo dục phải thích ứng, trong đó kỹ năng số và tư duy phản biện ngày càng quan trọng. “Thực ra, chúng ta không cần phải có những kỹ năng quá phức tạp để tồn tại trong thế giới số. Ví dụ, những người đọc hiểu giỏi ít bị vướng bẫy các email lừa đảo” – ông Antoninis nói.