Thời gian tranh cử kéo dài từ ngày 1 đến ngày 21-7 trong khi ngày bỏ phiếu được ấn định vào 23-7, theo trang Khmer Times. Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), tổng cộng có hơn 9,7 triệu cử tri hợp lệ sẽ bỏ phiếu tại gần 24.000 điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước có 16 triệu dân này.

Khởi động chiến dịch tranh cử của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền cùng ngày 1-7, Thủ tướng Hun Sen phát biểu trước hàng chục ngàn người ủng hộ ở thủ đô Phnom Penh rằng chính phủ của ông sẽ xây thêm nhiều đường sá, trường học song song với tăng lương và bảo đảm tăng trưởng kinh tế.

Theo ông, CPP đã bảo đảm hòa bình, phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy dân chủ. Đồng thời, Thủ tướng Campuchia cảnh báo bất kỳ “âm mưu kích động bất ổn”, gây chia rẽ, hỗn loạn xã hội và bất ổn chính trị nào cũng sẽ bị dập tắt. Đây cũng là dịp kỷ niệm 72 năm thành lập CPP.

Đoàn tuần hành vận động tranh cử của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) sáng 1-7 Ảnh: AKP

Năm nay 70 tuổi, ông Hun Sen đã làm Thủ tướng Campuchia 38 năm qua, trở thành một trong những nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất thế giới.

  • Việt Nam – Campuchia: Tăng cường hợp tác giữa các tỉnh biên giới

Gần đây, ông ám chỉ sẽ nghỉ hưu trong tương lai gần và tỏ ra ủng hộ con trai cả, tướng 4 sao Hun Manet, kế nhiệm. Tại cuộc tuần hành hôm 1-7, ông Hun Sen đã trao lá cờ của CPP cho ông Hun Manet, người dẫn đầu đoàn xe vận động di chuyển trên đường phố thủ đô.

So với CPP, 17 đảng còn lại đều là những đảng nhỏ với nguồn tài chính lẫn mức độ ảnh hưởng hạn chế, theo nhận định của Reuters. Hồi tháng 5, Đảng Ánh nến không được giới chức Campuchia cho đăng ký tranh cử vì hồ sơ giấy tờ thiếu nhất quán.

CPP đã thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018 (có sự tham gia của 20 đảng). Trước đó 1 năm, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) – đảng đối lập chính – bị tòa án giải tán với tội danh “âm mưu đảo chính”.

Tuần trước, Quốc hội Campuchia đã thông qua luật cấm những ai không bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm nay nắm giữ chức vụ trong các cuộc bầu cử tương lai.


Hải Ngọc