Báo USA Today hôm 20-7 đưa tin trong đoạn video do người hướng dẫn lặn Wang Cheng-Ru chia sẻ hồi tháng 6, nhóm thợ lặn kể trên đã bắt gặp con “cá tận thế” khổng lồ hiếm thấy gần Đài Loan. Loài cá oarfish này (còn gọi là cá mái chèo hoặc “cá tận thế”) thường sống ở độ sâu từ 60-300 m, thậm chí cả 1.000 m, dưới mặt nước biển.

Trong đoạn video, con “cá tận thế” dường như đã bị thương. “Có nhiều con vật tuyệt vời ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc Đài Loan nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp một con cá oarfish khổng lồ” – Wang nói với tạp chí Newsweek. 

Một nhóm thợ lặn đã bắt gặp con “cá tận thế” khổng lồ ở ngoài khơi bờ biển Đài Loan gần đây. Ảnh: AP

Cá oarfish sống ở nhiều nơi ngoài các vùng nước thuộc Bắc Cực. Chúng được sách Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận là loài cá xương dài nhất. Cá oarfish không có răng, ăn các sinh vật phù du thông qua những chiếc lược mang.

“Cá tận thế” khổng lồ xuất hiện gần Đài Loan

Năm 1963, một con cá oarfish bị bắt ở New Jersey – Mỹ với chiều dài ước tính 15 m. Năm 1885, một con cá oarfish nặng 272 kg bị bắt ở Maine – Mỹ.

Cá oarfish có tên khoa học là Regalecus glesne dựa vào hình dáng như mái chèo, theo Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên bang Florida (Mỹ). 

  • Cá mập trắng khổng lồ lao lên khỏi mặt nước săn mồi

Theo văn hóa dân gian Nhật Bản, nhìn thấy những chiếc vảy bạc lấp lánh trên cơ thể của “cá tận thế” là dấu hiệu “sắp xảy ra thảm họa”. Truyền thuyết nói rằng loài cá này được gửi từ cung điện của Thần biển để cảnh báo mọi người về những trận động đất sắp tới.

Tuy người ta nhìn thấy những con cá oarfish trước trận động đất Tohoku năm 2011 và thảm họa hạt nhân Fukishima ở Nhật Bản song các nhà khoa học tin rằng sự liên quan giữa oarfish và thảm họa là không có thật.

GS Hiroyuki Motomura tại Trường ĐH Kagoshima nói với tờ New York Post: “Tôi tin rằng những con cá này có xu hướng nổi lên trên mặt nước khi tình trạng thể chất của chúng kém. Đó là lý do tại sao chúng thường chết khi được tìm thấy”.


Phạm Nghĩa