Theo báo cáo của đài kiểm soát không lưu tại sân bay TP Karrachi ngày 25-5, cơ trưởng của chuyến bay được cảnh báo về độ cao và tốc độ khi máy bay chuẩn bị hạ cánh. Khi còn cách sân bay Jinnah 24 km, cơ trưởng được cảnh báo hạ độ cao từ mức 3.000 m xuống mức 2.100 m. Tuy nhiên, thay vì thực hiện yêu cầu của mặt đất, phi công vẫn giữ nguyên độ cao và tỏ ra tự tin vào quyết định của mình.
Hai cảnh báo cũng được đưa ra sau đó nhằm nhắc nhở phi công hạ độ cao và tốc độ nhưng đều không được thực hiện. Trong lần cảnh báo thứ 2 yêu cầu phi công hạ thấp máy bay nhưng phi công lại đáp lại rằng anh ta thấy mọi việc đều ổn và sẽ kiểm soát tình huống đồng thời sẵn sàng hạ cánh.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Karachi (Pakistan) hôm 22-5. Ảnh: CNN
Còn theo một báo cáo trước đó của Cơ quan Hàng không Dân dụng Pakistan (CAA), động cơ của chiếc máy bay đã bị va chạm với đường băng 3 lần trong nỗ lực hạ cánh đầu tiên của phi công, phát ra tia lửa do bị ma sát. Đây có thể là nguyên nhân khiến thùng dầu và bơm nhiên liệu bị hỏng, khiến phi công không thể điều khiển máy bay đạt được lực đẩy và tốc độ cần thiết để nâng máy bay lên an toàn, mất điều khiển động cơ trong nỗ lực hạ cánh lần thứ 2.
Phi công đã tự mình quyết định việc tiếp đất lần 2 sau khi hạ cánh lần đầu tiên thất bại. Các chuyên gia cho rằng máy bay không đạt được độ cao ổn là định, bị nghiêng và rơi bất ngờ.
Người may mắn sống sót Mohammad Zubair cho biết máy bay đã thực hiện ba lần hạ cánh, một lần dường như gần như hạ cánh nhưng rồi lại cất cánh. Ông Zubair nhớ lại: “Đột nhiên máy bay giật dữ dội, hết lần này đến lần khác”. Sau đó phi công thông báo gặp sự cố động cơ và khó hạ cánh. Đó là điều cuối cùng ông Zubair nhớ cho đến khi tỉnh dậy trong một cảnh hỗn loạn đầy khói lửa và tiếng la khóc.
Báo cáo cũng cho biết máy bay có đủ nhiên liệu để bay trong 2 giờ 34 phút, trong khi tổng thời gian bay được ghi lại vào 1 giờ 33 phút. Các nhà điều tra Pakistan đang cố gắng tìm hiểu xem vụ tai nạn là do lỗi phi công hay trục trặc kỹ thuật. Dự kiến một báo cáo đầy đủ sẽ được hoàn tất trong khoảng ba tháng.
Thông tin ban đầu cho biết lỗi có thể xuất phát từ bộ phận hạ cánh của máy bay. Ảnh: Reuters
Song song đó, đội ngũ cố vấn kỹ thuật của công ty sản xuất máy bay nổi tiếng Airbus đã rời Pháp, dự kiến đến Pakistan trong sáng 26-5 để điều tra vụ tai nạn. Các thành viên điều tra Airbus sẽ kiểm tra đường băng của sân bay Karachi và hiện trường tai nạn.
Theo bộ phận kỹ thuật và bảo trì của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan, lần kiểm tra cuối cùng của chiếc máy bay được thực hiện vào ngày 21-3 và máy bay đã bay từ thủ đô Muscat của Oman đến TP Lahore (Pakistan) một ngày trước khi vụ tai nạn xảy ra.