Cùng chung nhận định về tình hình bất ổn, phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay, các bộ trưởng nhấn mạnh quan trọng hơn cả là ASEAN phải giữ vững đoàn kết, duy trì cách tiếp cận cân bằng, hài hòa trong quan hệ đối ngoại.
Hội nghị cũng thảo luận hướng củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, khẳng định mong muốn mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, đồng thời nhấn mạnh các đối tác phải tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi và cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật lệ.
Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tham dự phiên họp hẹp AMM-56 ngày 12-7 Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Về tình hình Myanmar, các bộ trưởng khẳng định đồng thuận 5 điểm còn nguyên giá trị, bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Chủ tịch và Đặc phái viên, tiếp tục đối thoại xây dựng với Myanmar, nhất trí ASEAN cần tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar, đặc biệt phát huy vai trò của Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo của ASEAN (AHA).
Các bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về biển Đông, cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ tính cấp thiết của việc phát huy vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Bộ trưởng nhấn mạnh các đối tác cần tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN cả bằng lời nói và hành động, cùng ASEAN xây dựng lòng tin, thu hẹp khác biệt, thúc đẩy đối thoại và hợp tác thực tâm.
Chia sẻ lập trường nguyên tắc của ASEAN, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh giải pháp cho vấn đề Myanmar phải do Myanmar quyết định. Về biển Đông, Bộ trưởng khẳng định cần bảo đảm môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, đề nghị ASEAN kiên trì với lập trường nguyên tắc, đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, cùng hướng tới xây dựng biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác.
Sau phiên họp, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã chứng kiến việc Ả Rập Saudi ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), trở thành bên thứ 51 tham gia TAC.