Tàu Chandrayaan-3 dự kiến đáp xuống cực Nam của mặt trăng ngày 23-8.

Nếu thành công, tàu sẽ triển khai một xe tự hành để thực hiện nhiều thí nghiệm tại đó trong vòng 2 tuần. Theo Reuters, ISRO trước đó từng phóng tàu vũ trụ Chandrayaan-2 vào năm 2020. Tuy nhiên, tàu đổ bộ và xe tự hành đã bị phá hủy trong quá trình thực hiện sứ mệnh.

Nếu mọi chuyện suôn sẻ, Ấn Độ sẽ tham gia vào danh sách các nước đưa tàu đổ bộ lên mặt trăng, hiện chỉ gồm Mỹ, Liên Xô (cũ), Trung Quốc. 

Tuy nhiên, chưa có nước nào trong số này cho tàu đáp gần vùng cực Nam của mặt trăng. Nơi này hiện thu hút sự quan tâm của các cơ quan vũ trụ và công ty không gian tư nhân bởi sự hiện diện của băng nước, có thể khai thác phục vụ một trạm vũ trụ trong tương lai.

Vụ phóng tàu vũ trụ Chandrayaan-3 được livestream tại TP Ahmedabad – Ấn Độ hôm 14-7. Ảnh: REUTERS

Vụ phóng tàu Chandrayaan-3 là sứ mệnh lớn đầu tiên của Ấn Độ sau khi chính phủ Thủ tướng Narenda Modi công bố các chính sách thúc đẩy đầu tư cho cuộc đua không gian. 

Kể từ năm 2020, Ấn Độ mở cửa cho tư nhân khiến số lượng công ty vũ trụ khởi nghiệp tăng gấp đôi. Vào đầu tuần này, ISRO cho biết đang thảo luận với Nhật Bản để cùng thực hiện thêm sứ mệnh mặt trăng. 

  • Phát hiện chấn động ở mặt tối Mặt Trăng: Cấu trúc y hệt ở Trái Đất

  • Mặt trăng thứ 2 của Trái Đất xuất hiện: “Bóng ma” 2.100 tuổi

Trước đó, họ cũng đồng ý với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) về một sứ mệnh chung vào năm 2024, trong đó sẽ đưa một phi hành gia Ấn Độ lên Trạm Không gian quốc tế (ISS).

Trong khi đó, tham vọng không gian của Nhật Bản tiếp tục gặp trở ngại khi một động cơ tên lửa Epsilon S đã phát nổ trong cuộc thử nghiệm của Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) hôm 14-7. 

Giới chức Nhật Bản cho biết vụ việc không gây thương vong. Trước đó, 2 vụ phóng tên lửa H-3 và Epsilon-6 của JAXA lần lượt khép lại trong thất bại vào tháng 3-2023 và tháng 10-2022. 

Gần đây hơn, tàu đổ bộ Hakuto-R của Công ty ispace gặp sự cố trong lúc tìm cách đáp xuống mặt trăng vào tháng 4-2023. 


Anh Thư